Nguyễn Trãi

Loạn Hậu Đáo Côn Sơn* Cảm Tác





Nhất biệt gia sơn kháp (1) thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.


Dịch Nghĩa:

Từ khi rời núi quê đến nay đã vừa vặn mười năm - Trở về thấy tùng cúc phân nửa đã hoang hóa - Có hẹn với núi rừng sao đành phụ? - Cúi đầu xuống bụi đất mà tự thương mình - Làng xóm mới đi qua như thấy trong chiêm bao - Chưa xong giặc giã, sung sướng chiếc thân còn vẹn - Bao giờ thì ta làm được nhà ở chốn mây núi này? - Lấy nước suối pha trà và gối đầu lên đá ngủ?


Dịch Thơ:

Cảm Tác Khi Trở Về Côn Sơn Sau Loạn

Cách biệt mười năm cảnh núi nhà
Về xem tùng các nửa tiêu sơ
Suối rừng trót hẹn, đành xao lãng
Đất bụi nghiêng mình, tự xót xa
Bước đến làng quê, lòng ngỡ mộng
Chưa tàn khói lửa, phước còn ta
Dưới chân mây núi lều mong cất
Nước suối pha trà, gối đá mơ...

Bản dịch của Lê Cao Phan


Chú thích:
* Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.
(1) Bản Ức Trai Thi Tập chép chữ Hán là kháp nhưng phiên âm là cáp.

Được bạn: diên vỹ sưu tầm / đưa lên
vào ngày: 3 tháng 2 năm 2013

Bình luận về Bài thơ "Loạn Hậu Đáo Côn Sơn* Cảm Tác"